Cách định giá ôtô cũ khi muốn bán lại

Xe cũ được định giá theo giá xe mới trừ đi khấu hao theo năm, ngoài ra còn tính theo sự biến đổi của thị trường và tính thanh khoản.

Nếu giá xe mới được tính dựa trên những con số cố định của chi phí sản xuất cộng các loại thuế, phí hãng phải nộp, cộng thêm chi phí bán hàng, quảng cáo, lợi nhuận... thì giá xe cũ cũng có công thức chung, nhưng công thức này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố biến động, không cố định.

Mỗi khi ai đó muốn bán lại chiếc xe đã ra biển, thì xe đó đã trở thành xe cũ (xe qua sử dụng), mà không cần biết xe đã lăn bánh chỉ 10 km hay 1.000 km. Nhưng cũng bởi độ mới-cũ, mà thị trường chia thành hai loại là xe lướt (mới lăn bánh khoảng một năm) và xe từ 2 năm trở lên. Với mỗi loại, cách tính giá lại khác nhau.

Xe lướt

Với loại xe này, công thức tính giá khi bán lại khá đơn giản. Chủ xe sẽ mất chi phí lăn bánh đã nộp khi mua xe (lệ phí trước bạ, biển số, đăng kiểm, đăng ký...).

Ví dụ: chiếc Vios G 2021 có giá lăn bánh 650 triệu, trong đó chi phí lăn bánh khoảng 80 triệu. Như vậy nếu bạn bán lại chiếc này trong năm đầu tiên mua xe, bạn sẽ chỉ thu về được khoảng 650-80=570 triệu đồng.

Xe từ 2 năm trở lên

Từ năm thứ 2 trở lên, ngoài việc bị mất đi phần chi phí lăn bánh như xe lướt, chủ xe sẽ bị mất thêm tiền khấu hao xe mỗi năm. Nhưng từng ấy là chưa đủ để tạo nên giá xe cũ dạng này, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như biến động thị trường, giá xe mới, tính thanh khoản, chất xe hoặc lượng xe giao dịch. Do đó, công thức tạo giá xe cũ sẽ như sau:

Giá xe cũ = Giá xe lướt - khấu hao +/- các yếu tố ảnh hưởng.

Về khấu hao, mỗi phân khúc có mức khấu hao riêng, mỗi dòng xe trong từng phân khúc lại tiếp tục có mức khấu hao khác nhau. Về cơ bản, xe càng đắt, khấu hao càng nhiều. Xe càng bền, khấu hao càng thấp. Người mua nên tham khảo nhiều nguồn buôn xe để nắm bắt được mức khấu hao cụ thể của mỗi dòng xe tuỳ thời điểm bán.

Ví dụ: Vios G 2021 nếu bán vào năm 2023, khấu hao sẽ khoảng 10-15 triệu/năm. Như vậy, giá xe lúc này khoảng 570-20 = 550 triệu.

Với xe sang, chi phí khấu hao mỗi năm có thể lên tới 100 triệu hoặc hơn. Ví dụ: Mercedes GLC300 2016 giá lăn bánh 2,2 tỷ, hiện bán lại mức 1,4 tỷ. Tức sau 5 năm lỗ 700 triệu. Trừ đi chi phí lăn bánh, dòng xe này khấu hao mỗi năm 100 triệu.

Trên thực tế, không phải xe càng cũ, khấu hao càng lớn, bởi lẽ khấu hao có giới hạn. Xe đời càng sâu thì khoảng cách giá giữa các đời càng ít. Sau khoảng 10 năm, xe đã hết khấu hao, lúc này xe 11 năm hay 12 năm đều có giá bán lại như nhau. Ví dụ, trên thị trường, Kia Morning SLX đời 2009-2011 đều có giá trên dưới 200 triệu đồng.

Các thợ xe kiểm tra xe trước khi mua. Ảnh: Phúc Trần

Thợ kiểm tra xe trước khi mua. Ảnh: Phúc Trần

Nhưng nếu chỉ trừ đi khấu hao, sẽ chưa thể ra được mức giá bán lại sát nhất với thị trường, vì cách tính này chưa đầy đủ, chưa tính tới +/- "yếu tố ảnh hưởng". Sở dĩ phần "yếu tố ảnh hưởng" là cộng hoặc trừ bởi các yếu tố này không cố định. Ví dụ nếu xe bạn từng bị tai nạn, bạn sẽ phải trừ. Ngược lại, nếu thị trường xe cũ đang rất khao khát dòng xe của bạn, bạn sẽ được cộng.

Những yếu tố ảnh hưởng tới xe giá cơ bản bao gồm:

- Nguồn cung xe: khi nguồn cung dòng xe cũ nào đó thừa thãi, giá xe sẽ phải giảm theo. Ngược lại nếu thị trường khan xe, giá sẽ được đẩy lên.

- Khả năng thanh khoản của dòng xe: tức khả năng bán lại nhanh hay chậm. Nếu xe nhanh "bay", thị trường sẽ thu mua với giá cao, và ngược lại. Những mẫu xe có giá trị thanh khoản cao như Vios, City, Corolla Altis, Mazda3. Những mẫu xe có thanh khoản thấp do ít người quan tâm, như Nissan Qashqai, X- Trail...

Chất xe: là yếu tố quan trọng quyết định đến quá trình mua bán một chiếc xe cũ, cũng như giá xe.

Ví dụ: nếu có hai chiếc Vios 2015 đều không đâm đụng, ngập nước, va chạm nặng thì chiếc chạy ít hơn, có lịch sử bảo dưỡng chính hãng hoặc chỉ một chủ từ đầu, chủ xe sử dụng bảo quản tốt sẽ thường được mua cao hơn 5-10 triệu đồng. Hoặc cùng là City sản xuất 2017, nhưng chiếc cuối 2017 kiểu dáng mới thường cũng có giá cao hơn mẫu cũ đầu 2017.

- Bán cho ai: bán cho người dùng sẽ có giá tốt hơn bán cho showroom xe cũ, bởi họ là người gom xe về bán lại. Tiền lãi của cửa hàng sẽ khoảng 25-40 triệu đồng cho mỗi xe phổ thông cỡ nhỏ, tiền lãi này sẽ đến từ cả hai bước là nhập xe vào và bán xe ra. Xe càng to, càng đắt, lãi càng nhiều. Nhưng lợi ích lớn nhất của bán cho showroom là nhanh gọn. Để dễ hiểu, bạn có thể tham khảo dòng xe của mình được rao bán giá bao nhiêu, thì trừ đi khoảng 15-20 triệu là giá showroom sẽ nhập vào.

Tuy vậy, nếu bán cho những showroom chuyên về một dòng xe nào đó, mức giá họ thu vào sẽ cao hơn 5-10 triệu so với các showroom khác bán nhiều dòng xe. Bởi lẽ, các showroom này thường không ngại trữ hàng và khả năng bán lại cũng khá nhanh.

- Giá xe mới: giá xe mới biến động sẽ ảnh hưởng tới giá xe cũ, đặc biệt với xe dưới 3 năm. Ví dụ: chiếc Vios cũ 2019 bán lúc này sẽ rẻ hơn hồi đầu năm 10-20 triệu, vì giá xe Vios mới hiện được ưu đãi 20-30 triệu ở đại lý. Ngược lại, với một số mẫu xe hot như Seltos hay Corolla Cross, giá bán lại còn cao hơn giá thực tế do xe mới không có hàng và bị cộng thêm tiền phụ kiện.

Như vậy, sau khi nắm được hết các yếu tố ảnh hưởng phía trên, chủ xe có thể tự tính số tiền thu về khi muốn bán lại xe cho showroom như sau:

Ví dụ Honda City đời 2018, sau khi trừ chi phí khấu hao còn 520 triệu. Các yếu tố ảnh hưởng như sau: thị trường đang khó khăn -20 triệu, lãi của showroom - 30 triệu, tính thanh khoản kém -10 triệu, chất xe không đẹp -10 triệu. Số tiền cuối cùng chủ xe thu về là khoảng 450 triệu.

Dù bán với giá thấp hơn, lợi ích lớn nhất bán cho cửa hàng là nhanh và nhận 100% tiền mặt. Ngược lại, khi bán cho người dùng sẽ có lợi về giá nhưng thủ tục, thanh toán sẽ phức tạp hơn.

Theo Đoàn Dũng (https://vnexpress.net/cach-dinh-gia-oto-cu-khi-muon-ban-lai-4338399.html)